Hiện nay phẫu thuật nội soi ổ bụng ngày càng phát triển, quá trình bơm hơi làm thay đổi nhiều về tim mạch cũng như hô hấp. Thuốc giãn cơ có thể hạn chế các biến chứng khi bơm hơi, theo quan điểm của ERAS thì nên dùng giãn cơ sâu trong phẫu thuật nội soi, kéo theo đó là nguy cơ tồn dư giãn cơ sau phẫu thuật. Nghiên cứu nhằm so sánh tỷ lệ tồn dư giãn cơ giữa nhóm bệnh nhân có hay không được theo dõi bằng máy TOF Watch. Nghiên cứu tiến cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 60 bệnh nhân chia làm 2 nhóm, tại Bệnh viện Việt Đức từ 4 - 11/2017. Kết quả: tỷ lệ tuổi, giới, ASA, thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê, loại phẫu thuật tương tự nhau ở hai nhóm. Nhóm không được theo dõi bằng máy TOF Watch có tỷ lệ tồn dư sau rút nội khí quản cao hơn nhóm được theo dõi bằng máy, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 tại các thời điểm 1, 10, 20 phút. 30 phút sau rút nội khí quản vẫn còn bệnh nhân tồn dư giãn cơ, ngay cả ở nhóm được theo dõi bằng máy TOF Watch 3,33% ở nhóm được theo dõi so với 13,13% ở nhóm không được theo dõi. Nhóm bệnh nhân không được theo dõi bằng máy TOF Watch có tỷ lệ các triệu chứng suy hô hấp trong giai đoạn theo dõi cao hơn, 2 bệnh nhân 6,67% ở nhóm này có SpO2 thấp dưới 93%, nhóm còn lại không có bệnh nhân nào. Kết luận: nhóm bệnh nhân được theo dõi bằng máy TOF Watch có tỷ lệ tồn dư giãn cơ sau rút nội khí quản thấp hơn, tuy nhiên không loại trừ hết nguy cơ tái giãn cơ.
TCNCYH, Tập 155 Số 7 2022
https://doi.org/10.52852/tcncyh.v155i7.902